Đức tin và những mùa Xuân đã qua - Tác giả: Tân Xuân Phong

0
TIN BÀI KHÁC

Liệu đã bao nhiêu năm rồi chuông thôi ngân réo lời Truyền tin xưa! Đức tin chỉ còn là một báu vật xưa cổ, hay nó vẫn sống trong từng người, chỉ là hình thức sống đức tin khác xưa thôi? NGUỒN:


Sáng sớm đầu Xuân cùng cánh bạn lang thang trên ngọn đồi Ueno xinh đẹp. Xuân đến mang theo sức sống bền bỉ hiện rõ trên từng ngọn cỏ, cành cây. Tuy nhiên hơi phả của mùa Đông vẫn còn vương vấn trên từng thớ thịt, lạnh và se buốt. Chúng tôi băng đèo, lên núi như là một hình ảnh biểu tượng, một điểm xuất phát cho cả lộ trình mới đang đến.

Ở xứ sở Phù Tang "viếng chùa đầu năm" là một nét đẹp văn hóa đã in sân vào trong cách sống của họ. Năm nay tôi cũng "hùa" mình vào đám đông ấy lên đường, nhưng bằng một tâm thức khác, rằng:

"Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,
nước nước dập dìu kéo nhau đi.
Rằng: 'Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,
để Người dạy ta biết lối của Người,
và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.'" (Is 2, 3)


Năm mới người người kéo nhau lên chùa hái lộc, khấn xin sự lành trong thướt tha, miệng nhoẻn cười mấp máy lời chúc an yên. Họ xúng xính trong những bộ đồ mới, ghi hình cất giữ một vài khoảnh khắc, dấu ấn tuổi trẻ ngày đầu năm.

Trước mắt tôi con đường dài đằng đẵng. Phía cuối khoảng tận tầm nhìn là một con hẻm nhỏ, tối, um tùm cỏ cây. Cùng với bạn đường, chúng tôi tiến về phía trước mà trong lòng có chút sợ hãi. Đi được một đoạn chị em chúng tôi giật nẩy mình khi nhận ra một ngôi Chùa bị bỏ hoang, có khắc dòng chữ "Kính Đức Chúa".

Tiến sâu hơn một chút, cả hai chúng tôi nhẹ người đi, vì đây là một tu viện bị bỏ hoang, mang phong cách Phật giáo. Đâu đó thoảng trong gió có mùi hương trầm nhẹ; thì ra phía sau tiền sảnh là Nguyện đường lớn. Người sống quanh khu vực này vẫn tới đây cầu nguyện, dù nguyện đường đã không còn dáng dấp cân xứng một nơi thờ phượng nữa.

Chúng tôi tiến vào, ngồi một góc khuất phía phải tiền đường. Chỉ im lặng nhìn ngắm Đền thờ, lòng thầm thĩ đôi dòng tâm tư. Dù không nói nhưng tâm hồn chúng tôi đồng một "nhịp than" nhẹ trước khung cảnh hoang phế này. "Khi Con Người đến, liệu còn thấy Đức tin trên mặt đất này nữa chăng!" - câu Lời Chúa vang lên, tôi trầm ngâm nuốt từng giây phút hiện tại, vì e sợ nó sẽ qua đi trong tiếc nuối.

***


Đương khi chúng tôi cầu nguyện, có một vị thanh niên cỡ khoảng 50 đi vào, vẻ mặt vừa lo lắng vừa đượm buồn thất vọng. Có lẽ anh không nhận ra sự hiện diện của chúng tôi tại đây. Anh tiến sâu vào gian cung thánh, sập mình dưới cây Chuộc tội. Cái khoảnh khắc linh thánh này tôi chưa một lần thấy. Trái tim bỗng run lên!

Anh lớn tiếng than vãn: "Tại sao Ngài bắt tôi chờ đợi mãi! Tại sao Ngài vẫn cứ im lặng hoài! Trong khi Người thấy cho, tôi khao khát tìm Ngài, ước mong nếm được chút sự bình thản nội tâm. Tại sao tôi sống? Ý nghĩa của cuộc hiện hữu này là sao?". Rồi anh cúi gầm mặt khóc nức nở như tiếng lòng thay lời uất ức. Anh nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Người có hiểu không sức ghì của thể xác dù lòng muốn và đã gắng vươn lên!"

Sau một hồi thinh lặng, tiếng nấc dịu lại dần, anh quỳ gối chiêm bái, chắp đôi tay, khuôn mặt dàn trải những giọt lệ.

Và có lẽ không chỉ anh, mà cả chúng tôi đây cũng mang trong mình những niềm day dứt phận người. Lời thống thiết bên chân Thập Tự ấy như phá tan đi bầu khí ảm đạm, trầm mặc của ngôi đền hoang phế và sưởi ấm cho nguyện đường bớt hoang sơ.

Nguyện đường trước mắt chúng tôi đây không còn là nơi bị bỏ hoang, dù không có người đến, không có những cuộc rước sách, không một ai coi sóc, và dù cho không có ánh nến chầu Thánh Thể đi nữa..., nơi đây vẫn là chốn linh thiêng của những con người ngày đêm tìm đến, dàn trải cõi lòng với Thượng Đế Chí Tôn.

Giữa nhịp chảy xô bồ thường nhật, giữa những sôi động đảo điên của thời cuộc, hay giữa cảnh phù du người người tìm kiếm vẫn có một ngôi đền cổ kính, hoang tàn giữa một xó xỉnh trong thành phố như điểm hẹn tâm linh để nối kết lòng người với tình Trời cao.

***


Cô tịch của ngôi đền, cái bặt tiếng của Thập Tự trước lời nguyện cầu của anh bóp nghẹt trái tim tôi - kẽ lữ hành lỡ qua chốn này. Có lẽ trong cõi lặng nội tậm khi anh ngước nhìn ảnh Chuộc Tội, có tiếng than thở của Chúa Giê-su trên cây Thánh giá "sao cha nỡ bỏ con" đã làm cho sức ép của cô độc, cái nặng của thập giá phải giãn nở ra.

Tôi nhìn thấy nỗi mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt ấy. Quả thực, dưới chân thập giá mọi lời nói trở nên vô nghĩa. Chúng tôi hiện diện nơi đây với anh trong thinh lặng sâu ẩn nhất của tâm hồn. Một tiếng kêu, ba tâm hồn cùng hiệp tâm nên một. Biết đâu trong giây phút thinh lặng ngắn ngủi ấy, anh và cả hai chúng tôi đã chịu thiêu đốt, cùng với Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha tiếng "khát" tâm can.

Tâm hồn chúng tôi được Thập Tự nâng lên khỏi tự tôn, ích kỷ lòng mình để nhấn chìm khoảnh khắc hiện tại vào thinh lặng vĩnh cửu của Nước Trời.

***


Câu hỏi của anh dẫn tôi trở về với căn nhà nội tâm của mình. Là một Ki-tô hữu tôi xác tín được bao nhiêu? Là một tu sĩ sống đời thánh hiến tôi đã sống niềm xác tín đó như thế nào - niềm xác tín vào một tiếng gọi? Liệu tôi có đang sống chết cho một lý tưởng của Người chọn gọi tôi chăng? Và đâu là động lực khiến tôi khao khát?

Tôi e rằng khi không dành cho đời mình một vài khoảnh khắc dừng chân nào đó giữa dòng chảy cuộc sống, tôi sẽ bị cuốn đi! Tiếng gọi bên trong tôi sẽ mai một, rồi một ngày con tim tôi sẽ chai sạn đến mức không còn khả năng lắng nghe tiếng lòng hối thúc. Sự hiện diện của tôi không hơn một tổ chức, một cơ cấu mang tính xã hội mà quên đi tôi còn mang một lời hứa, một ơn gọi giữa đời.

Ra khỏi nguyện đường, tạm bước ra dòng suy tư, tôi hít thở lấy khí trời mà thấy mẹ thiên nhiên như thầy thuốc chữa lành.

30 năm, 50 năm về trước, khi người ta còn khao khát Thiên Chúa, sống đức tin, có lẽ nơi đây đã từng là điểm hẹn tâm linh, nơi người người đổ nhau về dâng cúng, hiệp lời ca chúc tụng.

Liệu đã bao nhiêu năm rồi chuông thôi ngân réo lời Truyền tin xưa! Đức tin chỉ còn là một báu vật xưa cổ, hay nó vẫn sống trong từng người, chỉ là hình thức sống đức tin khác xưa thôi?

Ngươi thấy sao hỡi đền thờ hoang phế,
Còn ta đây như chết lặng trong người!


Phù Tang ngày đầu năm 2024, Tân Xuân Phong

To Top